Than sinh học (tên khoa học là Biochar) tận dụng từ những nguyên liệu phế phẩm trong sản xuất, chế biến gỗ, các loại cây nhỏ và vật liệu tổng hợp. Đây là sản phẩm chất đốt thân thiện với môi trường, đem lại lợi ích kinh tế khi sử dụng và được ví như “Vàng đen” cho ngành nông nghiệp.Từ năm 2010, trên địa bàn tỉnh có một cơ sở sản xuất loại sản phẩm này tại khu 2 xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thủy) do anh Nguyễn Văn Tặng và chị Hoàng Thị Thơm làm chủ. Than sinh học (TSH) sử dụng nguyên liệu chính là mùn cưa của các loại gỗ tạp, ngoài ra được trộn thêm vỏ lạc, vỏ trấu, thân cây ngô, lõi bắp ngô, bã rượu và bã mía… Được xử lý qua quá trình nghiền nhỏ để trở thành mùn hỗn hợp, sàng để loại bỏ tạp chất, sau khi ủ 48 tiếng được chuyển qua công đoạn sấy khô và cho vào máy ép thành củi than có dạng hình ống rỗng, độ dài mỗi thanh khoảng 50 cm, trọng lượng khoảng 0,8 đến 1kg, cuối cùng được đem vào lò nung chuyển hóa thành than trong 70 giờ và ủ từ 13 đến 15 ngày để làm nguội hẳn mới trở thành than thành phẩm.
Than sinh học đem lại lợi ích kinh tế và giải pháp về một loại chất đốt mới giúp cải thiện môi trường. Loại than này có đặc tính bắt lửa nhanh, lửa đượm, nhiệt tỏa cao hơn than tổ ong, thời gian giữ nhiệt kéo dài từ 2 đến 3 giờ, khi đốt không mùi, không khói. Được bán với giá 3.000 đồng/1kg, TSH có giá thành rẻ hơn các loại chất đốt thông thường, an toàn, dễ sử dụng lại không gây độc hại. Theo nghiên cứu khoa học, sử dụng TSH sẽ giảm được 13 – 22% lượng phát thải CO2 vào khí quyển.
Ngoài việc sử dụng như một loại chất đốt, TSH được ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong nông nghiệp, loại nguyên liệu mới này đem đến nhiều lợi ích. TSH được sử dụng để cải thiện chất lượng đất, tạo vật chất mang các vi sinh vật làm phân giải nhanh các chất hữu cơ thành khoáng chất giúp cây hấp thụ tốt hơn, tăng năng suất cây trồng trên đất nghèo, có khả năng hấp thụ các chất hữu cơ và phân bón hóa học trên bề mặt, giữ các chất dinh dưỡng, chống rửa trôi, góp phần làm giảm chi phí tưới tiêu, giúp ngăn chặn dòng chảy làm mất mát phân bón và giảm bớt ô nhiễm môi trường, giữ độ ẩm, giúp cây qua được thời kỳ hạn hán. Các-bon trong TSH có thể cô lập lượng khí thải, có khả năng hấp thụ khoảng 50% CO2 trong khí quyển. Do đó, TSH đem đến những “lợi ích vàng” trong ngành nông nghiệp.
Đối với tỉnh ta, việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất TSH vừa có thể giải quyết vấn đề tận dụng nguồn phế phẩm nông, lâm nghiệp, tạo nguồn chất đốt sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Song, hiện nay chỉ có một cơ sở sản xuất TSH theo quy mô hộ gia đình, do vậy cần có sự kiểm định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, có cơ sở khoa học từ các cơ quan chuyên môn nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, để loại sản phẩm này có thể vươn xa hơn đến các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thùy Phương – Báo Phú Thọ
CÔNG TY TNHH THAN SINH HỌC SÀI GÒN
Nhà máy sản xuất:
Đ/c: 212A, Đường Hùng Vương, TT Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai
Địa chỉ mail: Thansinhhocsaigon@gmail.com
Số điện thoại: 0931.854.954
Văn Phòng tại TPHCM
Số nhà 140A – đường 47 – Phường Tân Quy – Q7 – TPHCM
Điện Thoại: 0976.142.842
Website: www.thansaigon.vn